Biên tập cụm từ cố định cho văn bản báo chí tiếng Việt
1. Khái niệm CTCĐ, loại hình văn bản báo chí, ngôn ngữ báo chí
CTCĐ là đơn vị tương đương từ, sẵn có trong ngôn ngữ. CTCĐ có giá trị và được sử dụng như từ; có tính ổn định về ngữ nghĩa và cấu trúc. Tuy nhiên, tính ổn định của CTCĐ có tính tương đối. Bởi vậy, trong quá trình sử dụng CTCĐ trong giao tiếp, người nói/ viết có thể tạo ra nhiều biến thể về cấu trúc và ngữ nghĩa. Từ góc nhìn báo chí, nhiều tiêu chí được các nhà nghiên cứu chỉ ra để phân loại CTCĐ, tuy nhiên, ba tiêu chí sau đây đươc coi là cơ bản làm cơ sở phân loại CTCĐ: thứ nhất, xét tiêu chí mức độ, văn bản báo chí sử dụng hai lớp từ: từ vựng cơ bản và từ ngữ mới. Theo đó, CTCĐ trong loại hình văn bản này cũng có hai loại: CTCĐ cơ bản (truyền thống) và CTCĐ mới; thứ hai, xét về cấu trúc: văn bản báo chí sử dụng các CTCĐ nguyên cấu trúc và CTCĐ biến thể về cấu trúc; thứ ba: xét về ngữ nghĩa: văn bản báo chí sử dụng các CTCĐ nguyên nghĩa (nghĩa gốc) và CTCĐ biến thể nghĩa.
Văn bản báo chí (VBBC) là loại hình văn bản có tính thông tấn và tính đại chúng. Điều 3 Luật Báo chí 2016 xác định: Báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng qua các loại hình báo in, báo nói, báo viết hay báo điện tử. Như vậy, nói đến loại văn bản này, không thể không nói đến vai trò của thông tin. Thông tin là cốt lõi, là “xương sống” của báo chí. Thông tin được khai thác, lựa chọn, chắt lọc từ xã hội nên nó không xa vời với đại chúng. Thông tin được “bắt rễ” từ nhu cầu, nguyện vọng của xã hội nên khi lựa chọn tin, nhà báo tìm cách “dẫn dắt” để công chúng tiếp nhận thông tin được dễ dàng, hiệu quả nhất.
Ngôn ngữ báo chí (NNBC) là một trong những phương tiện truyền đạt quan trọng vào loại bậc nhất phù hợp với loại hình báo chí. NNBC là nhân tố trọng yếu góp phần tạo nên tính đại chúng của văn bản báo chí, bởi vậy NNBC sử dụng từ ngữ có tính toàn dân nhưng không dễ dãi, tùy tiện; dễ hiểu, dễ tiếp nhận nhưng không hời hợt, nông cạn; NNBC là kiểu ngôn ngữ phổ thông, sử dụng một lượng lớn ngôn từ có sẵn, giàu sự sáng tạo; bên cạnh tính “khuôn mẫu báo chí” (về ngôn từ và kết cấu), NNBC yêu cầu sự sinh động, hàm súc. Tất cả những đặc điểm đó chi phối không chỉ vào đơn vị từ mà cả ở cấp độ cụm từ, trong đó có CTCĐ.
2. Mối quan hệ giữa CTCĐ và văn hóa
Theo Trần Ngọc Thêm: “Ngôn ngữ nào cũng có rất nhiều những nhóm từ vựng đặc thù do những đặc trưng tự nhiên và xã hội quy định: chẳng hạn, văn hóa Việt Nam là văn hóa thực vật và nông nghiệp điển hình nên đối với tiếng Việt, rất quan trọng là những nhóm từ chỉ thực vật và các loại thực vật đặc thù (tiếng Việt có hàng mấy chục từ khác nhau để chỉ các giai đoạn phát triển, các bộ phận, các loại cây lúa, cây tre); Việt Nam lại là vùng sông nước nên nhóm từ sông nước và những cách nói liên quan đến sông nước đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống ngôn từ Việt”(1). CTCĐ là một trong nhiều “nhóm từ vựng đặc thù”. Nó chịu tác động mạnh từ văn hóa. CTCĐ được cấu tạo bởi nhiều từ song ý nghĩa của nó không phải là sự “cộng lại”, “gộp lại” của các từ tạo ra nó; bên cạnh đó, nhiều trường hợp, ý nghĩa của CTCĐ là ý nghĩa văn hóa, ví dụ: mưa rửa cửa đền; mưa vỡ đường bánh trôi; rét nàng Bân; nói dối như Cuội, phải duyên phải số… Do đó, để sử dụng đúng CTCĐ phức tạp hơn sử dụng từ. Để hiểu CTCĐ, trước hết, phải hiểu nghĩa tại lời (nghĩa đen), tiếp đến, phải hiểu về các tầng nghĩa, kiểu nghĩa của nó; cùng với đó là hiểu môi trường văn hóa mà nó được sinh ra; tình huống văn hóa cụ thể mà nó được ứng dụng, chẳng hạn câu thành ngữ:
Ăn trông nồi, ngồi trông hướng
Được xuất phát từ bối cảnh văn hóa như sau: xưa, ông bà ta đông con nhà nghèo. Đến bữa ăn, mâm cơm là trung tâm. Vị trí đầu nồi xới cơm được gọi là (ngồi) “đầu nồi”. Vị trí này luôn là phụ nữ. Người “đầu nồi” cần phải biết “trông nồi” để “liệu cơm” nhiều ít xới cơm đầy hay vơi. Thông thường, ngoài bề trên và các cháu bé trong nhà được xới đủ no, những người còn lại chỉ được ăn “vơi vơi” hoặc “ngót bụng”. Riêng “đầu nồi” thường nhận phần thiệt thòi, có thể nhiều bữa ăn không được no. Trong bối cảnh thiếu ăn như vậy, bát cơm đầy hay vơi là tín hiệu cho biết sự no đủ hay thiếu thốn của gia đình. Việc ăn “trông nồi” là quan trọng để tạo nên “hòa khí” gia đình. Sự “điều phối” kín đáo của người ngồi đầu nồi và sự tế nhị của các thành viên còn lại góp phần quan trọng giữ “êm” cửa nhà. Vế “ngồi trông hướng” chỉ sự sắp xếp vị trí ngồi sao cho tất cả các thành viên đều được “đồng hướng”, tập trung vào mâm cơm. Với nề nếp ăn uống trong gia đình người Việt như vậy, qua sự bồi đắp thời gian, các thành viên trong nhà có sự đồng cảm, chia sẻ với nhau. Lối ứng xử này sẽ được mỗi thành viên từ gia đình lan tỏa ra xã hội. Nó tạo nên một xã hội đoàn kết, yêu thương nhau. Ở ý nghĩa hẹp nhất, câu thành ngữ nói về sự ý tứ, tế nhị, nhường nhịn, chia sẻ với nhau trong bữa ăn. Từ đó, suy rộng ra, đặt trong hoàn cảnh liên quan tới sự ăn uống, câu thành ngữ khuyên các thành viên cần có sự nhường nhịn, sẻ chia. Như vậy, khi ta đặt câu thành ngữ trong bối cảnh văn hóa gia đình Việt Nam với nề nếp bữa cơm của gia đình nghèo khó mới hiểu hết ý nghĩa của nó. Từ ý nghĩa đó, câu thành ngữ yêu cầu ngữ cảnh sử dụng cần có sự liên quan đến tình huống ăn uống. Từ ví dụ trên ta thấy, CTCĐ được ra đời trên nền tảng văn hóa dân tộc nên không thể không đi từ văn hóa để hiểu các tầng nghĩa của nó. Cách sử dụng CTCĐ cũng gắn chặt với những cảnh huống cụ thể từ đặc trưng văn hóa dân tộc.
3. Kỹ năng biên tập CTCĐ cho văn bản báo chí tiếng Việt
Văn bản báo chí sử dụng một lượng lớn CTCĐ. Do đó, việc biên tập CTCĐ luôn là một thách thức. Có ba kỹ năng cơ bản cần thiết khi biên tập CTCĐ, đó là kỹ năng phân tích cấu trúc, ngữ nghĩa, nhận diện văn hóa và ngữ cảnh chi phối CTCĐ.
Kỹ năng phân tích cấu trúc CTCĐ
CTCĐ (và từ) là chất liệu từ vựng cơ bản để xây dựng tác phẩm báo chí. Do đó, để hạn chế những lỗi không đáng có, việc hiểu cấu trúc của CTCĐ là kỹ năng không thể thiếu vì cấu trúc là yếu tố đầu tiên góp phần tạo nên nghĩa của CTCĐ. Ví dụ sau đây cho thấy rõ điều đó: Báo Tuổi trẻ Online ngày 01/3/2022 có bài viết Học thật, học giả. Bài viết phân tích thực trạng việc học trong thời Covid- 19 và đặt ra câu hỏi: việc học trực tuyến có đạt được mục tiêu thực học (tức học thật); nếu kết luận: kết quả của việc học trực tuyến là kết quả của quá trình giả học (tức học giả) thì có phải đang “đổ sông, đổ bể” cho sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục?. Như vậy, trong bài viết có hai cặp cụm từ hoán đổi vị trí của từ nhưng vẫn đồng nghĩa: học thật- thật học; học giả - giả học. Tại sao nhà báo không dùng một cụm từ (học thật hoặc học giả) để tránh hiện tượng trùng ngôn? Nếu người biên tập không hiểu được cấu trúc của hai cặp cụm từ này sẽ làm mất ý nghĩa sâu sắc của bài viết bởi hai cụm từ thực học, giả học là hai cụm từ tự do; cụm từ học thật - học giả là CTCĐ vì trong trình tự sắp xếp này, từ học và thật, giả có quan hệ kết hợp chặt. Mô hình và tính chất cụm từ của bốn cụm từ đó như sau:
Có thể thấy sự hoán đổi từ trong cụm từ tạo nên tính chất tự do hay cố định của nó. Cụm từ tự do được sử dụng khi mô tả, nhận xét, nêu vấn đề và cụm từ cố định được dùng khi gọi chính xác tên,bản chất của sự việc.
Tác phẩm báo chí được thực hiện khi nhà báo có sự phát hiện vấn đề. Những vấn đề đó được thể hiện trong một lượng lớn các cụm từ tự do; bài báo nếu muốn nâng cao giá trị, đi vào lòng bạn đọc cần có sự đúc kết, “đọc” được bản chất của sự kiện. Khi đó, nhà báo cần sử dụng CTCĐ. Chẳng hạn nhà báo Hữu Thọ đã phát hiện vấn đề cần viết, đó là nhìn lại cách dân tộc ta tìm người tài; bài viết sử dụng khoảng 200 cụm từ tự do song để đúc kết vấn để, nhà báo sử dụng một CTCĐ được khai thác từ văn học: “Chiếu cầu hiền” - tác phẩm “Chiếu cầu hiền” thời Cách mạng.
Kỹ năng phân tích ngữ nghĩa CTCĐ
Phân tích ngữ nghĩa của CTCĐ là kỹ năng cần yếu tiếp theo của phóng viên cũng như BTV cần thuần thục. Do CTCĐ trong văn bản báo chí được sử dụng với nhiều biến thể cấu trúc nên ngữ nghĩa của CTCĐ theo đó, cũng đa dạng. Có thể phân loại nghĩa của CTCĐ trong văn bản báo chí như sau: thứ nhất là nhóm CTCĐ có nghĩa phổ thông. Loại CTCĐ này thường được người Việt tiếp nhận như một từ, ví dụ: gieo chữ; trường làng, trường điểm, trường chuyên; học nghề; bóng hồng; thành người, thành thợ; lừa tình, lừa tiền; nếp nhà, lệ làng; phố núi, phố vắng, đường hoa; làng biển, làng nghề; thời trẻ, cao tuổi; chậm nghĩ; người ngoan, người khôn ….
Nhóm thứ hai là nhóm quán ngữ, thành ngữ được sử dụng nguyên gốc, ví dụ: kẻ khôn kẻ dại, người khôn của khó; kẻ lắm điều, người hay chuyện, người cao tuổi, lên lão làng, người tử tế; học thành người, học làm thợ, học hành dở dang, học hành đến nơi đến chốn; học hành tử tế, con nhà học hành tử tế; năng nhặt chặt bị, kiến tha lâu cũng đầy tổ; tích tiểu thành đại; bán anh em xa mua láng giềng gần... Nhóm thứ nhất và thứ hai thuộc nhóm từ vựng cơ bản, đồng thời là lời ăn tiếng nói dân gian, dễ dàng kế thừa nên trong sáng tác cũng như biên tập, phóng viên, BTV không gặp nhiều khó khăn khi sử dụng. Nhóm thứ ba, là nhóm biến thể về nghĩa. Nhóm này, các CTCĐ được sử dụng vô cùng linh hoạt, tùy theo ngữ cảnh, dụng ý của người viết. Ví dụ về nhóm biến thể về nghĩa: thành ngữ “Hồng nhan bạc phận” có biển thể nghĩa trở thành “Hồng nhan bạc triệu”; “không thầy đố mày làm nên” trở thành “Không trò đố thầy làm nên”; “Hạ cánh an toàn” trở thành “hạ cánh chưa chắc đã an toàn”...
Trên báo chí hiện đại tiếng Việt, tính chất phân loại nghĩa của các biến thể nghĩa ngày càng chi tiết; nguồn khai thác nghĩa đa dạng. Qua khảo sát và phân tích, có bảy loại biến thể nghĩa thường gặp: nghĩa “mở”, nghĩa “bề mặt”, nghĩa “ẩn”, đổi nghĩa, nghĩa bổ sung, nghĩa tổng kết, nghĩa liên hệ. Sự phong phú, đa dạng về nghĩa nằm ở nhóm CTCĐ thứ ba.
Kỹ năng xác định ngữ cảnh - văn hóa sử dụng CTCĐ
Mỗi CTCĐ thể hiện một góc độ hoặc một nét văn hóa nào đó. Từ ngôn từ có thể hiểu được môi trường văn hóa mà CTCĐ ra đời, chẳng hạn chùm câu tục ngữ cá chuối đắm đuối vì con; con dại, cái mang; có nuôi con mới biết lòng cha mẹ; con lên ba mẹ sa xương sườn xuất hiện trong môi trường xã hội đề cao tình mẫu tử. Chùm câu: một người làm quan cả họ được nhờ, vinh quy bái tổ, người có học, có học có khác… nảy sinh trong môi trường xã hội đề cao sự học hành, thành đạt trong xã hội. Trong tiếng Việt, có một số lượng nhất định CTCĐ “mượn” gốc Hán như: nhân chi sơ tính bản thiện; cố quốc tha hương; công dung ngôn hạnh, công hầu khanh tướng…. Khác với CTCĐ thuần Việt, CTCĐ Hán -Việt có ý nghĩa khái quát, trừu tượng được nâng lên thành đạo lý ứng xử - văn hóa. Tiếng Việt vay mượn CTCĐ Hán - Việt bởi môi trường văn hóa - xã hội của hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc có nhiều tương đồng; chẳng hạn trong phạm vi văn hóa gia đình - xã hội ở hai quốc gia đều đề cao phẩm chất người phụ nữ Công, Dung, Ngôn, Hạnh; hoặc hai quốc gia do những biến đổi lớn từ các cuộc nội chiến hoặc ngoại xâm nên di dân, ly hương là hiện tượng xã hội phổ biến. Câu Cố quốc tha hương xuất phát từ đó.
Ngữ cảnh - văn hóa (trong phạm vi bài viết, được bàn đến với nghĩa hẹp nhất) là sự giao thoa giữa hoàn cảnh ngôn ngữ với cảnh huống văn hóa cụ thể mà câu chữ đang đề cập đến; đó là “cơ sở nền” để sử dụng CTCĐ, ví dụ: trong đoạn kể lại câu chuyện Bác dặn dò Cụ Huỳnh Thúc Kháng trước khi lên đường ra nước ngoài làm nhiệm vụ, nhà báo Hữu Thọ viết: “Ngày 31/5/1946, trước khi lên đường đi dài ngày, tại sân bay Gia Lâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh nắm tay Cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhân sỹ trí thức yêu nước, nói: Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự nhờ Cụ cùng anh em giải quyết cho. Mong Cụ: Dĩ bất biến, ứng vạn biến)(2). Yếu tố ngữ cảnh là mối quan hệ từ ngữ trong câu, đoạn.
Nói về Bác, phải dùng CTCĐ định danh Chủ tịch nước, trong mối quan hệ với Cụ Huỳnh Thúc Kháng, để thể hiện đúng vai và tuổi của người mà Bác tôn kính, phải dùng danh từ Cụ. CTCĐ định danh Chủ tịch nước và Cụ liên quan tới yếu tố ngữ cảnh. Yếu tố văn hóa - ngữ cảnh được thể hiện trong cảnh huống: Bác là Chủ tịch nước - người có quyền cao nhất đang “giao” lại nhiệm vụ cho người dưới quyền nhưng tuổi cao hơn Bác, lại là người Bác kính trọng. Trong quy tắc giao tiếp dân tộc ở hoàn cảnh này, Bác đã tôn trọng quy tắc, chọn cách giao tiếp của người đang bị phụ thuộc nhún nhường với người mình cần nhờ vả.
Lời giải thích “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu” thể hiện sự đầu cuối (nêu lý do đi xa); “ở nhà trăm sự nhờ Cụ”, “mong cụ”, chỉ sự nhún nhường của người không có sự “ngang vai” về vị thế giao tiếp; “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là lời căn dặn không chỉ là phương châm giữ nước đúng đắn mà còn thể hiện Bác hiểu sâu sắc sự uyên bác của Cụ Huỳnh Thúc Kháng - một nhân sỹ - trí thức, học rộng biết cao. CTCĐ gốc Hán ngắn gọn với 6 âm tiết đã đủ các nội hàm phương châm giữ nước mà Bác biết chắc rằng Cụ Huỳnh thấu hiểu. Trong đoạn viết, nhà báo Hữu Thọ đã sử dụng các CTCĐ: Chủ tịch nước, trăm sự nhờ, dĩ bất biến ứng vạn biến trong một ngữ cảnh - văn hóa. Nói tóm lại, phóng viên, BTV không thể không xem xét đến yếu tố ngữ cảnh - văn hóa để xử lý CTCĐ hợp lý nhất.
Để biên tập CTCĐ, người biên tập cần nắm rõ các kỹ năng phân tích cấu trúc, ngữ nghĩa, ngữ cảnh - văn hóa sử dụng CTCĐ. Trên đây, với sự “cắt lớp” để phân tích, bài viết mong muốn chỉ ra cụ thể những yêu cầu cần thiết trong việc biên tập CTCĐ văn bản báo chí. Tuy nhiên, khi tham gia giao tiếp, CTCĐ luôn là “sản phẩm” của tổng hòa các bình diện cấu trúc, nghĩa, văn hóa. Do vậy, việc nâng cao hiểu biết văn hóa dân tộc, rèn luyện tư duy khoa học và sự bồi đắp vốn từ là công việc mỗi phóng viên, BTV cần rèn luyện từng ngày. Nó góp phần nâng cao tay bút, tay nghề của phóng viên, BTV./.
______________________________________________
(1) Trần Ngọc Thêm, Ngữ dụng học và văn hóa - ngôn ngữ học http://tranngocthem.name.vn/ung-dung-vhh/ngon-ngu-hoc/60-ngu-dung-hoc-va-van-hoa-ngon-ngu-hoc.html.
(2) Hữu Thọ (2007), Chuyện nhà, chuyện nước - Nxb. Chính trị quốc gia, H.,
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 5.2022
Bài liên quan
- Lồng ghép truyền thông về biến đổi khí hậu trong những chủ đề phổ biến trên báo chí
- Phỏng vấn truyền hình hiện đại: những kỹ năng cơ bản
- Ngành marketing dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
- Xuất bản sách chính trị - pháp luật dưới góc nhìn kinh tế học
- Vấn đề bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên báo chí hiện nay
Xem nhiều
-
1
Mạch Nguồn số 37: Thương nhớ Bác!
-
2
Kênh truyền thông Mạch Nguồn trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
-
3
Mạch nguồn số 38: Tuổi trẻ với pháp luật
-
4
Mô hình tổ chức đảng trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại hiện nay - vấn đề đặt ra và đề xuất
-
5
Gần 2.000 tân sinh viên K43 tham gia “Tuần sinh hoạt công dân - sinh viên đầu khóa, năm học 2023 - 2024"
-
6
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khai giảng năm học 2023-2024
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Thư của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhân dịp khai giảng năm học mới
Ngày 4/9/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có Thư gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học 2023-2024. Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông trân trọng giới thiệu lại toàn văn Thư của Chủ tịch nước.
Lồng ghép truyền thông về biến đổi khí hậu trong những chủ đề phổ biến trên báo chí
Lồng ghép truyền thông về biến đổi khí hậu trong những chủ đề phổ biến trên báo chí
(LLCT&TTĐT) Một trong những giải pháp truyền thông về biến đổi khí hậu trên báo chí hiệu quả là lồng ghép vào trong các lĩnh vực phổ biến hoặc đang thu hút sự quan tâm của công chúng. Mặt khác, mọi vấn đề quan trọng trong đời sống xã hội hiện nay cũng cần được nhìn nhận trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. Bài viết đề xuất tám chủ đề có thể lồng ghép nội dung về biến đổi khí hậu.
Phỏng vấn truyền hình hiện đại: những kỹ năng cơ bản
Phỏng vấn truyền hình hiện đại: những kỹ năng cơ bản
(LLCT&TT) Trong lĩnh vực báo chí, phỏng vấn luôn đóng vai trò là một phương pháp thu thập thông tin thiết yếu, đồng thời là một thể loại mang đặc trưng ưu việt khi thông tin (có được nhờ sự hỏi - đáp giữa nhà báo và nhân vật) luôn chân thực, tận nguồn và mang tính khách quan cao. Báo chí truyền hình cũng không là một ngoại lệ khi phỏng vấn truyền hình vẫn là một trong những thể loại tác phẩm được ưa chuộng, và đồng thời cũng là một phương thức thu thập thông tin không thể thiếu trong tác nghiệp của nhà báo, phóng viên truyền hình. Trước bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch Covid-19, phỏng vấn truyền hình hiện đại đã và sẽ có những kỹ năng mà người làm báo truyền hình cần lưu tâm.
Biên tập cụm từ cố định cho văn bản báo chí tiếng Việt
Biên tập cụm từ cố định cho văn bản báo chí tiếng Việt
(LLCT&TT) Cụm từ cố định (CTCĐ) chiếm vị trí quan trọng trong kho từ vựng của mỗi dân tộc. CTCĐ có giá trị tương đương từ, được sử dụng như từ, song “kích cỡ” và ý nghĩa của nó phức tạp hơn từ. Do đó, đối với biên tập viên, việc biên tập CTCĐ đòi hỏi không chỉ nghiệp vụ biên tập mà cần chuyên sâu kiến thức về ngôn ngữ - văn hóa học. Bài viết trao đổi về kỹ năng biên tập CTCĐ từ góc độ liên ngôn ngữ kết hợp với điểm nhìn văn hóa.
Ngành marketing dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Ngành marketing dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
(LLCT&TT) Sự phát triển của xã hội và của công nghệ thông tin, truyền thông trong những thập kỷ qua đã tạo ra những tác động nhất định tới cách mà ngành marketing tiếp cận và mang lại giá trị cho khách hàng. Từ Cách mạng công nghiệp 1.0 đến Cách mạng công nghiệp 4.0, các quan điểm quản trị marketing đã dần thay đổi, phản ánh vào sự phát triển của các khái niệm marketing và định hướng lại mục tiêu cho các chiến lược lâu dài. Việc nghiên cứu sâu hơn về những khía cạnh này sẽ giúp doanh nghiệp, tổ chức bắt kịp với thời đại và chuẩn bị trước cho tương lai đầy thách thức.
Bình luận